TẬT KHÚC XẠ VÀ CÁCH CHĂM SÓC MẮT

TRANG CHỦ               GIỚI THIỆU               DỊCH VỤ                SẢN PHẨM             HƯỚNG DẪN                LIÊN HỆ 
 Công ty TNHH Mắt Việt Hàn chuyên nhập khẩu và phân phối các loại mắt kính, kính áp tròng, kính giãn tròng - Địa chỉ: 1181/11 Đường 3/2 P.11, Q.10  -  Hotlines: 08-2215.3707   0975.126.546                    
                                                                                                                                                                                         


THẾ NÀO LÀ TẬT KHÚC XẠ?
Một con mắt bình thường khi nhìn một vật thì ảnh của vật sẽ rơi đúng trên võng mạc cho ta thấy hình ảnh rõ ràng, sắc nét, đúng màu sắc. Người ta gọi đó là mắt chính thị. Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi vào võng mạc người ta gọi đó là tật khúc xạ.
Có 3 loại tật khúc xạ (TKX) tương ứng với vị trí hội tụ của vật so với võng mạc: nếu hội tụ trước võng mạc gọi là cận thị, nếu ở phía sau gọi là viễn thị, nếu hình ảnh của vật không phải là một điểm mà là một đoạn thẳng có thể ở trước, ở sau hoặc nửa trước, nửa sau gọi là loạn thị.

TẬT KHÚC XẠ XUẤT HIỆN KHI NÀO?
TKX thường xuất hiện ở lứa tuổi đi học, nhất là từ 11 – 15 tuổi. Nhiều nhất là cận thị, chiếm khoảng hơn 80%, vì vậy người ta gọi chung là “Cận thị học đường”. Cũng có một số ít trường hợp bị TKX ở tuổi rất nhỏ, hoặc ở tuổi trưởng thành sau những lần thay đổi lớn về sức khỏe như thai sản, chấn thương, bệnh lý nội khoa v.v. Tật khúc xạ thường có xu hướng phát triển tăng dần cho đến năm 18 đến 20 tuổi thì dừng lại. Xuất hiện càng sớm và càng nặng thì sự tăng độ càng nhiều.

NGUYÊN NHÂN VÀ BIỂU HIỆN CỦA TẬT KHÚC XẠ
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây TKX là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: Tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem TV, sử dụng vi tính không hợp lý v.v.
Biểu hiện chủ yếu của tật khúc xạ là nhìn mờ. Cận thị thì giảm thị lực khi nhìn xa, viễn thị và loạn thị thì cả nhìn xa và gần đều mờ. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, viết chữ không thẳng hàng, kết quả học tập giảm sút.

NHỮNG CÁCH ĐỂ ĐIỀU CHỈNH TẬT KHÚC XẠ
Khi đã bị TKX thì bắt buộc phải điều chỉnh để mắt trở lại trạng thái thoải mái, hạn chế bớt sự tăng độ và ngăn ngừa những biến chứng của mắt. Có 3 cách được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ.
Thông thường nhất là sử dụng kính đeo, ưu điểm là tiện lợi, rẻ tiền, dễ thay đổi, nhưng nhược điểm dễ hỏng, dễ mất. Nên đeo kính thường xuyên và kiểm tra độ kính 6 tháng một lần.
Phương pháp thứ 2 là mang kính tiếp xúc. Là một miếng nhựa đặc biệt được đặt áp sát vào giác mạc. Loại kính này phù hợp cho lứa tuổi thanh niên và người lớn. Ưu điểm là gọn, nhỏ, người ngoài nhìn vào sẽ không thể nhận biết được. Nhược điểm là phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, nếu không khéo léo có thể gây trầy xước giác mạc, nhiễm trùng. Một số người bị dị ứng với kính thì không dùng được.
Phương pháp thứ 3 là phẫu thuật bằng Laser Excimer. Phẫu thuật này được thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng và an toàn, cho hình ảnh như sinh lý bình thường của mắt, kết quả lâu dài hoặc vĩnh viễn, nhược điểm là đắt tiền, thường trên 20 tuổi mới thực hiện được.
Hiện nay y học đang phát triển một số phương pháp mới như mổ phaco thay thủy tinh thể để điều chỉnh TKX, mổ Phakic đặt kính nội nhãn v.v. cũng mang thị lực cao cho những trường hợp bị TKX đặc biệt.

CÁCH CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ MẮT
Để có một đôi mắt sáng đẹp và phòng tránh TKX cho mắt, ở lứa tuổi học đường cần thực hiện các biện pháp sau đây.
Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, khi quỳ. Tư thế ngồi học thẳng lưng, hai chân khép để trên nền nhà, đầu cúi 10 – 15 đo. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT.
Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen.
Phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và xa. Khi học cứ 1 giờ phải nghỉ 10 – 15 phút. Khi xem TV, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ từ 8 – 10 tiếng một ngày, dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamine cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng một lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở v.v... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh TKX.
                                             
                                                                                                    Theo B.S Nguyễn Việt Giáp

TRANG CHỦ               GIỚI THIỆU               DỊCH VỤ                SẢN PHẨM             HƯỚNG DẪN                LIÊN HỆ